Hiện nay, trên toàn quốc có 1.738 chợ, trong đó 1.260 chợ kiên cố; 375 chợ bán kiên cố và 103 chợ tạm. Các chợ thường được xây dựng với diện tích lớn, bố trí nhiều ki ốt, sạp hàng liền kề kinh doanh đa dạng các mặt hàng, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy, nổ. Trong quá trình hoạt động, do ý thức chấp hành quy định về PCCC của đơn vị quản lý, người kinh doanh và người dân chưa cao, dẫn đến phát sinh nhiều tồn tại, vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, dễ xảy ra cháy lớn, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 11/2023 cả nước xảy ra 69 vụ cháy chợ dân sinh, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 190 tỷ đồng. Riêng 11 tháng của năm 2023, cả nước xảy ra 22 vụ cháy chợ, gây thiệt hại trên 70 tỷ đồng, chưa kể vụ cháy 2000 m2 chợ Khe Tre (Thừa Thiên – Huế) xảy ra ngày 03/12/2023 chưa thống kê được thiệt hại. Đây mới chỉ là thiệt hại trực tiếp, nếu tính cả thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng an sinh xã hội, ngừng trệ buôn bán, chi phí khắc phục hậu quả…sẽ gấp khoảng 3 lần. Đáng lưu ý là: có đến 80% tổng số vụ cháy xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ, trên 70% vụ cháy chợ do sự cố hệ thống điện, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC và do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp tăng cường công tác an toàn PCCC đối với chợ như tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, phát động phong trào toàn dân PCCC; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đặc biệt là xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định PCCC… Tuy nhiên, cơ quan chủ quản, ban quản lý chợ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động, không khắc phục đầy đủ các kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC dẫn đến công tác PCCC chợ vẫn còn nhiều vi phạm an toàn PCCC. Đó là:
(1) Tự ý xây dựng thêm hạng mục công trình, cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của khu vực, hạng mục trong chợ như không phân chia thành các khu vực riêng bảo đảm an toàn PCCC mà bố trí ngành hàng kinh doanh hàng chất dễ cháy, nổ ở gần hoặc đan xen với khu vực kinh doanh hàng hóa khác hoặc đan xen với ngành hàng có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt nên khi xảy cháy đám cháy lan rất nhanh, thiêu rụi hàng hóa, tài sản của các hộ kinh doanh.
(2) Lấn chiếm đường giao thông dành cho chữa cháy làm nơi để ô tô, xe máy; lắp đặt mái nối giữa các khối nhà, mái che, mái vảy để tập kết, kinh doanh hàng hóa… làm cản trở đường giao thông dành cho chữa cháy, mất khoảng cách chống cháy lan.
(3) Việc trang bị phương tiện PCCC và CNCH còn hạn chế, chưa đáp ứng theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (không bảo đảm nguồn nước cấp cho chữa cháy; không trang bị hệ thống chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động…) hoặc đã trang bị nhưng không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng, không sử dụng được khi có cháy, dẫn đến cháy lan, cháy lớn.
(4) Việc lắp đặt và sử dụng hệ thống, thiết bị điện chưa bảo đảm yêu cầu về an toàn PCCC theo quy định; không được bảo trì, sửa chữa định kỳ dẫn đến xuống cấp, thiếu đồng bộ; không tách riêng nguồn điện chiếu sáng, bảo vệ, chữa cháy. Bên cạnh đó, có tình trạng các tiểu thương tự ý câu mắc thêm dây dẫn, thiết bị tiêu thụ làm tăng phụ tải; lắp đặt bảng điện, dây dẫn đặt trực tiếp trên cấu kiện, vật liệu dễ cháy…, để hàng hóa gần, đè lên ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện… tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ;
(5) Việc thành lập và tổ chức hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, trình độ nghiệp vụ PCCC và CNCH; trang bị phương tiện chữa cháy, CNCH và thiết bị bảo hộ cá nhân cho đội viên còn chưa bảo đảm số lượng theo quy định; chưa thực hiện phân công cụ thể nhiệm vụ và kiểm tra giám sát, dẫn đến hoạt động mang tính hình thức, không xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ.
(6) Tại các ki ốt, kho chứa, có tình trạng người kinh doanh bố trí, sắp xếp hàng hóa vượt quá số lượng quy định, không bảo đảm yêu cầu ngăn cháy lan, lấn chiếm đường, lối ra thoát nạn, cửa thoát nạn; kinh doanh trái phép hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đun nấu tại khu vực kinh doanh không bảo đảm quy định an toàn PCCC.
Để tăng cường công tác PCCC tại chợ, nhất là vào mùa hanh khô, dịp Tết Nguyên đán, lễ hội các đơn vị, cá nhân cần thực hiện các biện pháp, giải pháp PCCC:
1. Đối với cơ quan quản lý cấp trên
Chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và duy trì công tác PCCC và CNCH tại chợ. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC hằng năm, trong đó ưu tiên để khắc phục các tồn tại vi phạm về PCCC, nhất là về giao thông dành cho chữa cháy, cấp nước chữa cháy, hệ thống điện và trang bị phương tiện PCCC, CNCH…; duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại chợ.
2. Đối với đơn vị quản lý chợ
(1) Rà soát, ban hành quy định, nội quy an toàn PCCC, CNCH, phổ biến, niêm yết tại các khu vực, vị trí dễ thấy để tiểu thương và người dân biết, thực hiện; thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và biện pháp phòng ngừa cháy, nổ đến các tiểu thương tại chợ, nhất là dịp lễ tết, mùa hanh khô; thường xuyên tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn, vận động người kinh doanh trang bị phương tiện PCCC, dụng cụ phá dỡ thô sơ để người kinh doanh nắm được và chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ.
(2) Rà soát, tổ chức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm về PCCC, an toàn sử dụng điện tại cơ sở, kiên quyết xử lý các trường hợp tự ý lấn chiếm đường giao thông, khoảng cách an toàn PCCC.
(3) Bố trí khu vực để xe của người dân, khu vực xuất, nhập hàng hóa; khu vực bán hàng riêng theo từng nhóm mặt hàng kinh doanh có tính chất nguy hiểm cháy, nổ khác nhau để loại trừ nguy cơ cháy, nổ. Kiểm tra, yêu cầu người kinh doanh bố trí, sắp xếp hàng hóa trong khu vực kinh doanh, kho chứa bảo đảm theo quy định, không lấn chiếm, cản trở lối thoát nạn.
(4) Trang bị bổ sung, thay thế các phương tiện PCCC đã hư hỏng và thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC bảo đảm luôn luôn ở chế độ thường trực. Đồng thời phải có các giải pháp tăng cường, bổ sung như: Bố trí lực lượng trực PCCC ngoài giờ làm việc; trang bị đủ cơ số phương tiện chữa cháy, CNCH theo quy định; thường xuyên tuần tra, kiểm soát ngoài giờ hành chính để phát hiện và kịp thời xử lý khi xảy ra cháy, nổ.
(5) Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp, thay thế khi hệ thống, thiết bị điện có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng; cần tách riêng nguồn điện kinh doanh, chiếu sáng và PCCC; quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện tại các hộ kinh doanh, không để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn sử dụng điện.
(6) Tăng cường tự kiểm tra an toàn PCCC, nhất là vào thời gian cao điểm, tập trung nhiều hàng hóa, đông người, ngoài giờ làm việc (sau khi ngừng kinh doanh) để phát hiện và xử lý kịp thời những sơ hở, thiếu sót về PCCC, nhất là việc sắp xếp hàng hóa, quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
(7) Kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội PCCC cơ sở thực hiện tuyên truyền, kiểm tra và bảo đảm đủ lực lượng, phương tiện trực PCCC trong và ngoài giờ hành chính; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn có sự tham gia của người kinh doanh để phối hợp chặt chẽ khi xảy ra cháy, nổ.
3. Đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ
(1) Chủ động nghiên cứu, nắm rõ quy định của pháp luật về PCCC đối với cá nhân, tổ chức; chấp hành nghiêm nội quy, quy định an toàn PCCC chợ.
(2) Duy trì tự kiểm tra an toàn PCCC hằng ngày tại khu vực, phạm vi quản lý, đặc biệt là việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sử dụng khí LPG, xăng dầu, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt (trước, trong và sau khi ngừng kinh doanh trong ngày) nhằm phát hiện và khắc phục tồn tại, vi phạm nguy cơ cháy, nổ. Thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và CNCH thuộc phạm vi quản lý và phối hợp với đơn vị quản lý thực hiện công tác phòng cháy tại chợ.
(3) Không để hàng hóa lấn chiếm đường, lối thoát nạn và giữa các ki ốt trong khu vực kinh doanh, trong kho chứa. Tuyệt đối không tàng trữ, kinh doanh trái phép hàng lóa, hóa chất dễ cháy, nổ; tự ý câu mắc, lắp đặt dây dẫn, sử dụng thêm các thiết bị điện khi không bảo đảm an toàn PCCC; sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng không bảo đảm an toàn PCCC trong khu vực kinh doanh, kho chứa theo quy định.
(4) Khu vực sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trong hoạt động kinh doanh phải bảo đảm các giải pháp an toàn PCCC, ngăn cách với khu vực kinh doanh hàng hóa, hóa chất dễ cháy. Không tự ý tồn chứa khí LPG, xăng, dầu chung trong khu vực kinh doanh, kho chứa hàng hóa, trường hợp sử dụng khí LPG để đun nấu thì vị trí đặt bình khí LPG, bếp phải bảo đảm thông thoáng, nền nhà phải bằng phẳng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; thiết bị điện sử dụng trong khu vực này phải đáp ứng yêu cầu phòng nổ, lắp đặt thiết bị cảnh báo dò khí LPG; thường xuyên kiểm tra bình chứa khí LPG, ống dẫn, van khóa để ngăn ngừa sự cố rò rỉ, đóng van khóa sau khi sử dụng…
(5) Lắp đặt, dây dẫn, thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện của ki ốt, kho chứa phải đảm bảo theo quy định, tuyệt đối không tự ý câu mắc điện. Lưu ý:
– Không để hàng hóa dễ cháy phủ lên dây dẫn điện, ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện hoặc thiết bị tiêu thụ điện phía trên hàng hóa;
– Sắp xếp hàng hóa dễ cháy, nổ cách bóng điện, thiết bị điện có khả năng sinh nhiệt không nhỏ hơn 0,5m.
– Tách riêng nguồn điện cấp các thiết bị điện có yêu cầu phải duy trì nguồn cấp 24/24 giờ với nguồn điện khác cấp cho hoạt động kinh doanh.
– Không tự ý câu mắc, bố trí dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC
– Không tự ý sử dụng thiết bị tiêu thụ điện khác (bếp, ấm đun nước, đèn sưởi…) không được lắp đặt ban đầu trong khu vực kho; cầu dao, áptomát phải đặt bên ngoài kho.
– Tắt các thiết bị điện không cần thiết tại khu vực kinh doanh, kho chứa khi hết giờ kinh doanh.
(6) Trang bị hệ thống hoặc thiết bị báo cháy tự động (nếu cơ sở chưa được trang bị), phương tiện chữa cháy, dụng cụ phá dỡ phù hợp tại khu vực kinh doanh, kho chứa và phải nắm bắt được cách thức sử dụng phương tiện.
(7) Thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã đúng nơi quy định. Trường hợp thắp hương tại khu vực kinh doanh phải cách xa các hàng hóa, chất cháy và phải trông coi đến khi hương tắt mới được rời đi.
(8) Khi hàn cắt, cải tạo phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC khu vực thi công.
(9) Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, tập huấn PCCC và CNCH, thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn do đơn vị quản lý chợ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức.
(10) Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114, đồng thời tham gia chữa cháy, cứu người, cứu tài sản./.
Phòng 3/Cục Cảnh sát PCCC và CNCH